Thiết kế nội thất là gì?
Thiết kế nội thất là một ngành tổng hợp của các yếu tố như nghệ thuật, mỹ thuật và kỹ thuật. Dựa trên những nguyên lý, tỷ lệ để mang đến một tổng thể hài hòa giữa màu sắc, chất liệu, nội thất, ánh sáng từ đó tạo thành những không gian đáp ứng theo nhu cầu sinh hoạt và sử dụng của gia chủ. Thiết kế nội thất không chỉ yêu cầu người KTS có thiên phú cao về mặt thẩm mỹ, tư duy sáng tạo mà còn phải nắm bắt tốt nhu cầu, mong muốn khách hàng và cân đối với các yếu tố khác như kiến trúc, kết cấu, phong thủy nhà ở….
Tầm quan trọng của việc thiết kế nội thất
Nếu trước đây người ta còn xem nhẹ việc thiết kế nội thất cho căn nhà, chỉ đơn giản là xây dựng kiến trúc bên ngoài và mua sắm, sắp xếp nội thất vào bên trong là có thể ở được thì giờ đây thiết kế nội thất lại là một lĩnh vực liên quan mật thiết đến quá trình xây dựng. Bởi lẽ theo cùng sự phát triển của xã hội, nhu cầu đời sống ngày một tăng lên thì mong muốn sống trong một không gian đẹp đã trở thành đích đến của nhiều gia chủ.
Nhìn chung, thiết kế nội thất ngày nay không chỉ mang đến một không gian sống đẹp, đủ đầy tiện nghi mà còn hướng đến những giá trị bền vững và tôn vinh trải nghiệm cá nhân hóa trong từng không gian.
Các yếu tố chính trong thiết kế nội thất
1. Không gian
Không gian là yếu tố có sẵn và khó mà thay đổi được, nhưng đây cũng là nền tảng cơ bản để tạo dựng nội thất. Bởi lẽ đó, tùy theo từng không gian thực tế mà KTS sẽ tính toán, cân đối tỷ lệ từ đó cho ra những concept thiết kế phù hợp nhất.
Nói một cách đơn giản, không gian sẽ bao gồm chiều dài, chiều rộng và chiều cao. Bằng sự kinh nghiệm cũng như cân đối các yếu tố kỹ thuật, thẩm mỹ mà người KTS sẽ bố trí không gian một cách hợp lý, cân bằng giữa nội thất, đường nét và không gian trống để mang đến một căn phòng với tỷ lệ vừa đủ, không quá nhiều nhưng cũng không quá trống rỗng, đảm bảo về sự rộng thoáng và thoải mái trong di chuyển, sinh hoạt.
2. Phong cách thiết kế
Với đại đa số khách hàng, khi nói đến thiết kế nội thất người ta sẽ hình dung đến phong cách thiết kế. Trên thực tế, phong cách thiết kế cũng là một thành phần trong thiết kế nội thất nhưng chưa là tất cả, thế nhưng nó lại liên quan trực tiếp đến sự định hình những yếu tố phía sau như đường nét, màu sắc hay vật liệu, nội thất.
Trên thị trường Việt Nam, phong cách nội thất tân cổ điển và hiện đại là hai phong cách chiếm tỷ trọng cao. Tuy nhiên, theo cùng sự phát triển của ngành, cũng như thị hiếu của khách hàng ngày nay phong cách thiết kế nội thất tại Việt Nam rất đa dạng, có thể kể đến như: Indochine, Tropical, phong cách Taiwan, phong cách đương đại, Color Block, Wabi sabi…
3. Ánh sáng
Ánh sáng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong thiết kế nội thất. Để các chi tiết trong không gian có thể đạt đến hiệu ứng thị giác như mong muốn, KTS cần cân chỉnh dựa trên sự phản xạ của mắt, sự phản chiếu của vật liệu, hướng chiếu và ánh sáng,...
Ánh sáng sẽ bao gồm ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo, trong đó không gian trong và ngoài nhà sẽ liên kết với nhau thông qua ánh sáng tự nhiên. Còn ánh sáng nhân tạo sẽ giúp tạo nguồn sáng cần thiết cho sinh hoạt, hay ánh sáng nhấn điểm để tô điểm không gian nội thất.
4. Màu sắc
Theo các nghiên cứu khoa học, màu sắc ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng, tinh thần người sử dụng. Bởi lẽ đó, màu sắc trong thiết kế nội thất không thể sử dụng bừa bãi mà cần xác định theo nhu cầu sử dụng, không gian cụ thể và hơn hết là cần có sự liên hệ với phong cách mà tổng thể đang hướng đến.
Về nguyên tắc phối màu, sẽ có nhiều nguyên tắc như phối màu đơn sắc, phối màu 6-3-1, phối màu theo bánh xe màu sắc…Mỗi cách phối sẽ có dụng ý riêng và phù hợp với từng không gian, diện tích riêng biệt.
5. Đường nét & Hình khối
Đường nét là yếu tố tại nên sự hài hòa và thống nhất cho không gian. Tùy theo định hướng phong cách thiết kế mà đường nét sẽ được linh hoạt biến đổi. Như đường nét thẳng mạnh mẽ, phóng khoáng ứng dụng cho phong cách hiện đại, tối giản hay đường cong mềm mại, uyển chuyển trong các phong cách như cổ điển, wabi sabi…
Về hình khối, có 2 xu hướng thể hiện hình khối thường thấy trong thiết kế nội thất chính là Geometric (Nhân tạo) và Pure (Tự nhiên). Nhìn chung, hình khối được tạo nên từ 2 hoặc nhiều hình dáng khác nhau, ngoài ra sự tương phản của màu sắc hay họa tiết sử dụng cũng làm nổi bật hình khối trong không gian.
6. Vật liệu
Một trong những yếu tố cần thiết để cấu thành nên một không gian nội thất đẹp chính là vật liệu sử dụng. Mỗi loại vật liệu đều có sự khác biệt từ màu sắc, bề mặt (độ nhám, độ bóng) hay đường vân vật liệu cũng sẽ có những đặc trưng riêng biệt. Tùy theo phong cách thiết kế, chủ đích của KTS mà sẽ chọn lựa được loại vật liệu phù hợp cho từng không gian.
7. Hoạ tiết, hoa văn
Họa tiết, hoa văn được đánh giá là yếu tố để hoàn thiện không gian. Bằng những họa tiết chạm nổi hay in chìm trên bề mặt nội thất, trần, tường, sàn mà người dùng sẽ cảm nhận được rõ nét “linh hồn” của phong cách. Đây cũng là một chi tiết điểm tô cho không gian thêm phần thu hút.
Các phong cách thiết kế nội thất tiêu biểu năm 2023
Phong cách hiện đại - Modern Style
Đón đầu xu hướng thiết kế nội thất không thể không nhắc đến phong cách hiện đại - Modern Style. Phong cách hiện đại là một khái niệm dùng để nói về những công trình có sự đơn giản trong bố cục, hình khối không gian; tổ chức mặt bằng theo hướng tự do và phi đối xứng. Về màu sắc, đường nét không gian cũng như kiểu dáng nội thất, phong cách nội thất hiện đại đều sở hữu những đặc điểm riêng biệt.
Bên cạnh đó, những vật liệu sử dụng trong phong cách hiện đại cũng đề cao tính ứng dụng và đường nét mạnh mẽ, dứt khoát như kim loại, bê tông, kính, thép… Điều này được ví von như sự đoạn tuyệt với yếu tố xa hoa, tráng lệ, đường nét uốn lượn cầu kỳ cũng như kết cấu đối xứng trong phong cách cổ điển.
Phong cách tân cổ điển - NeoClassical Style
Nếu phong cách cổ điển gắn liền với sự sang trọng, uy nghi và quý phái thì phong cách hiện đại lại là hiện thân của ngôn ngữ trẻ trung, khỏe khoắn và tinh tế. Hai hình thái tưởng chừng như trái ngược nhau lại được lồng ghép khéo léo trong phong cách nội thất tân cổ điển - Neo Classic Style.
Về hình thức, không gian nội thất tân cổ điển sẽ nhấn mạnh vào việc trang trí các bức tường, đồ nội thất, decor. Phong cách tập trung vào sự tính toán, tỷ lệ của các chi tiết một cách vừa đủ, vừa thể hiện được độ sang trọng vừa đảm bảo sự thoải mái cho người sống trong đó. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua các chi tiết đặc trưng như phào chỉ, đường cong, hoa văn họa tiết. Về màu sắc, không gian được phát triển theo hướng tân cổ điển thường sử dụng bảng màu tinh tế, trang nhã kiểu Châu Âu hiện đại để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người dùng hiện nay.
Phong cách Đông Dương - Indochine Style
Trải qua một thời kỳ lịch sử, không chỉ lưu dấu trên những kiến trúc còn sót lại, ngày nay nét đẹp Indochine ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào trong thiết kế nội thất từ nhà ở cho đến những khách sạn, resort đẳng cấp 5 sao.
Có thể nói, phong cách Indochine là sự kết hợp kiến trúc phương Đông và phương Tây có chủ đích, có tính toán, đan cài tinh tế, càng ngắm nhìn càng thấy thu hút, chứ nó không bị chênh phô, đối chọi nhau. Các công trình phong cách Indochine mang nét đẹp của văn hóa truyền thống Á Đông hòa quyện cùng chất lãng mạn của kiến trúc Pháp, có những chi tiết gợi nhớ văn hoá dân tộc, đem đến cảm giác quen thuộc, gần gũi và tự hào. Những người yêu thích phong cách Indochine không chỉ đơn thuần thích một công trình kiến trúc nữa, mà còn là yêu thích sự giao thoa văn hoá Á - Âu, những giá trị nghệ thuật và dấu ấn lịch sử bên trong đó.
Ngày nay phong cách Đông Dương ở Việt Nam thường chọn lọc những chi tiết trang trí đậm chất truyền thống, đơn giản và tinh tế, dễ ứng dụng trong thực tế. Đồng thời kết hợp cùng nội thất hiện đại để phù hợp phong cách sống, đem lại sự thoải mái và tiện ích cho người sử dụng.
Thiết kế nội thất phong cách nhiệt đới - Tropical Style
Phong cách nhiệt đới hay còn được biết đến với tên gọi là phong cách tropical (Tropical Style). Phong cách lấy cảm hứng từ những vùng đất miền nhiệt đới có nắng có gió và có cả những dãi xanh trải dài bất tận đến từ mây trời, biển cả và rừng cây nhiệt đới. Nét độc đáo, đặc biệt của phong cách nhiệt đới so với các phong cách còn lại phải kể đến việc sử dụng gam màu xanh chủ đạo kết hợp thêm những họa tiết đậm chất thiên nhiên như lá cọ, lá dừa….
Trong những năm trở lại đây, khi quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa diễn ra một cách nhanh chóng, những mảng xanh thiên nhiên đã dần mất đi thay vào đó là các tòa nhà, cao ốc chọc trời để đáp ứng cho nhu cầu sinh sống trước tình trạng “đất chật người đông” như hiện nay. Vậy nên, nhiều gia chủ đã chọn lựa thiết kế nhà phong cách tropical để có thể đem thiên nhiên xanh mát vào trong không gian sống của mình. Nếu những phong cách khác hướng đến giá trị thẩm mỹ cùng công năng nhiều hơn thì phong cách tropical trong thiết kế nội thất lại hướng đến giá trị tinh thần con người. Đằng sau cánh cửa tổ ấm khi đã được đóng lại, bạn sẽ không còn phải lo lắng đến nhịp sống tấp nập, xô bồ bên ngoài nữa thay vào đó là khoảng thời gian “nghỉ dưỡng” bên cạnh gia đình.
Phong cách Mid - Century
Mid-Century Modern là một trào lưu phong cách có sức ảnh hưởng đến kiến trúc, nội thất cho đến ngày nay. Do xuất hiện trong thời kì hậu Thế chiến thứ II, thế nên phong cách được định hình và chịu ảnh hưởng bởi những trường phái nhất định như Bauhaus, Scandinavian hay trào lưu Arts and Craft.
Nói về đặc trưng của phong cách Mid-Century có thể nhắc đến những điểm nổi bật như đường nét tinh gọn, màu sắc tối giản, thiết kế chú trọng vào tính thực dụng và tối ưu không gian sử dụng. Màu sắc, nội thất trong phong cách đa phần đều lấy cảm hứng từ tự nhiên kết hợp cùng ánh sáng hợp lý mang đến một không gian sống hiện đại, ấm cúng và thoải mái, dễ chịu.
Phong cách nội thất tối giản - Minimalism Style
Đến với phong cách nội thất tối giản bạn sẽ cảm nhận được tinh thần “less is more”. Các nội thất sử dụng trong phong cách này ngoài thiết kế cực kỳ đơn giản còn phải được bố trí càng ít càng tốt. Tuy nhiên ít ở đây có nghĩa là tiết chế các chi tiết dư thừa như đồ trang trí, nội thất không cần thiết và đảm bảo đầy đủ công năng phục vụ sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình.
Tuy hạn chế sử dụng quá nhiều màu sắc cũng như loại bỏ những món đồ không cần thiết, thế nhưng phong cách tối giản không đồng nghĩa với nhạt nhòa, không có sắc thái riêng. Có thể nói, phong cách thiết kế chỉ là một vỏ bọc, còn mọi thứ bên trong từ màu sắc, nội thất cho đến cách bày trí đều chịu sự chi phối của hình thức thẩm mỹ của chính gia chủ. Bởi lẽ đó, mỗi không gian sống đều mang sắc thái cá nhân riêng biệt trong khuôn thước cho phép của chủ nghĩa tối giản.
Phong cách thiết kế nội thất Bắc Âu - Scandinavian Style
Đây là phong cách hội tụ đủ cả 3 yếu tố đẹp, tối giản, công năng. Với những ngôi nhà được ứng dụng theo phong cách Scandinavian bạn sẽ cảm nhận được nét đẹp đến từ sự đơn giản, mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh tế, tiện nghi. Sự cân bằng đến từ giá trị thẩm mỹ - sự tối giản - chức năng tiện dụng chính là yếu tố tiên quyết đưa phong cách Scandinavian ngày càng phát triển và đến gần với nhu cầu của các gia chủ hơn.
Thế nhưng đừng lẫn lộn Scandinavian với phong cách tối giản, tuy đều đặt giá trị không gian sống lên hàng đầu, hạn chế nội thất không cần thiết nhưng Scandinavian sẽ mang đến cảm nhận khác biệt về một không gian tươi sáng, tinh tế cùng làn gió Bắc Âu đặc trưng. Để phân biệt thiết kế nội thất Scandinavian, bạn có thể dựa vào 4 yếu tố cơ bản như: Linh hồn của phong cách chính là ánh sáng tự nhiên, vật liệu chiếm đa số trong không gian là gỗ và các vật liệu tự nhiên, bảng màu trung tính và nhẹ nhàng, lối trang trí tối giản đặc trưng.
Phong cách nội thất Japandi
Có thể nói phong cách Japandi là sự kết tinh hoàn hảo của nét đẹp thanh lịch của phong cách Bắc Âu (Scandinavian) và sự gọn gàng của phong cách Nhật Bản (Japanese). Bởi được xây dựng trên tinh thần kết hợp của 2 phong cách nên phong cách Japandi sẽ hội tụ những điểm chung như một không gian đề cao sự tối giản, chú trọng công năng, bảng màu nhã nhặn và điểm nhấn từ nội thất được lồng ghép một cách đầy tinh tế.
Các vật liệu thô mộc như vải, gỗ, đất sét… sẽ không được xử lý quá nhiều để tôn lên nét đẹp chân chất, dung dị, đề cao giá trị tinh thần con người thông qua những khoảng mở thoáng đãng và kết nối với thiên nhiên. Cùng xem qua những hình ảnh trong một căn hộ thiết kế nội thất theo phong cách Japandi và cảm nhận bạn nhé.
Phong cách Wabi Sabi
“Wabi sabi là vẻ đẹp của những điều bất toàn, vô thường và dở dang” - Leonard Koren.
Có nguồn gốc từ đất nước mặt trời mọc, Wabi Sabi không chỉ là một phong cách nội thất đơn thuần mà còn một hệ quy chiếu để bạn có thể cảm nhận những giá trị sống bằng tất cả các giác quan.
Nếu chuẩn mực thiết kế của các nước phương Tây đề cao tỷ lệ vàng, sự hoàn hảo và mực thước thì Wabi sabi lại đề cao vẻ đẹp mộc mạc, tự nhiên, bất cân xứng và có phần không hoàn mỹ. Phong cách Wabi sabi không hướng con người ta đến một không gian hào nhoáng, bóng bẩy mà giúp ta chấp nhận được thực tại, trân trọng những giá trị không hoàn hảo, giúp ta tìm lại sự cân bằng giữa thân - tâm - trí. Đây cũng là một điểm nhấn đặc sắc trong nhịp sống xô bồ, tấp nập thời nay.
Phong cách Đài Loan - Taiwan Style
Phong cách Taiwan (phong cách Đài Loan) là sự kết hợp khéo léo tinh thần tối giản và vận dụng các yếu tố hiện đại để mang đến một không gian đơn giản, mộc mạc nhưng cũng không kém phần sang trọng và tinh tế. Do được hình thành từ sự kết hợp của hiện đại và tối giản, thế nên không gian nội thất Taiwan sẽ ưu tiên nội thất gọn nhẹ, có tính ứng dụng cao. Thiết kế chú trọng đường nét hình khối đơn giản và lược bỏ đi những chi tiết rườm rà, không cần thiết nhằm mang đến một không gian sống rộng rãi, thoáng đãng cho những trải nghiệm thư giãn tuyệt vời.
Tuy về khái niệm, phong cách này rất dễ nhầm lẫn với phong cách hiện đại hay tối giản thế nhưng khi nhìn vào một không gian được thiết kế theo tinh thần Taiwan, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận ngụ ý được mà KTS gửi gắm. Khác với thiết kế nội thất phong cách Nhật, căn nhà mang “hương vị” Taiwan dù ưu tiên sử dụng những chất liệu tự nhiên như gỗ, trang trí thêm cây xanh và chú trọng yếu tố ánh sáng tự nhiên thế nhưng vẫn mang đến một tổng thể thời thượng nhờ có sự góp mặt của những yếu tố nội thất hiện đại.
Phong cách cổ điển - Classic Style
Ra đời từ rất sớm và là một trong những phong cách hiếm hoi tồn tại, phát triển vượt trội cho đến thời điểm hiện tại. Phong cách nội thất cổ điển luôn để lại cho người nhìn những ấn tượng sâu sắc bởi sự xa hoa, tráng lệ của mình. Thiết kế nội thất theo phong cách cổ điển dựa trên những nguyên tắc nghiêm ngặt từ tính đối xứng, cân bằng cho đến phào chỉ, hoa văn trên trần tường và đồ nội thất được may đo theo tiêu chuẩn Châu Âu.
Một không gian được thiết kế theo phong cách cổ điển không chỉ bao hàm giá trị đẳng cấp, xa hoa mà còn mang giá trị nghệ thuật cùng giá trị trường tồn theo thời gian. Đó là những giá trị mà khó có phong cách nào có thể thay thế. Tuy nhiên, với mức độ hoành tráng, phong cách này khá kén gu cũng như đòi hỏi một không gian tầm cỡ để có thể phô điển hết những đặc trưng cơ bản.
Phong cách Color Block
Color Block Style là một phong cách không dành cho những không gian mang hơi hướng truyền thống, sang trọng mà đó là xu hướng của giới trẻ, của sự năng động và nhịp sống hiện đại.
Có thể nói màu sắc là thứ dễ dàng chạm đến ánh mắt, cảm xúc của con người nhất, bởi lẽ đó khi phong cách Color Block (hay Colour Block) ra đời vào những năm 60 đã dấy lên nguồn cảm hứng sáng tạo tuyệt vời.
Về định nghĩa, phong cách nội thất Color Block là sự kết hợp giữa hai hay nhiều khối màu có dạng hình học trong cùng một không gian, đó có thể là mặt tường hay giữa bề mặt tường và đồ nội thất. Bên cạnh đó, không mang đến sự hài hòa về mặt sắc độ, phong cách thiết kế nội thất Color Block là sự tương phản nhẹ giữa các gam màu, đem đến một không gian sống động, có sức hút về mặt thị giác và chiều sâu.
Phong cách Địa Trung Hải - Mediterranean Style
Phong cách Địa Trung Hải chính là sự lựa chọn hàng đầu cho những ai đang có ý định tìm về những thứ nguyên bản nhất, để hòa mình vào hơi thở biển cả và tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Một trong những đặc trưng tiêu biểu của phong cách nội thất Địa Trung Hải chính là vật liệu thô mộc, yếu tố tự nhiên, những đường cong mềm mại và bảng màu tươi mới, trong trẻo xoay quanh những gam màu như: màu xanh da trời, màu đất nung terra, xanh Olive, tím oải hương, màu vàng nhạt hay màu trắng tinh tươm.
Ngày nay phong cách Địa Trung Hải được áp dụng rất nhiều đặc biệt là những căn biệt thự ven biển hay loại hình homestay, resort.