1. Kiểm định chất lượng thang máy để làm gì ?
Thang máy là thiết bị chuyên chở người và các vật dụng lên cao vì vậy cần phải luôn được vận hành một cách trơn tru để hạn chế nguy cơ xảy ra các sự cố thang máy. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho mọi người trong gia đình, bạn cần tiến hành kiểm định thang máy trước khi đưa vào sử dụng và định kỳ để chắc chắn rằng thang máy đang ở trạng thái tốt nhất.
Ngoài ra, việc kiểm định chất lượng thang máy là quy định được nhà nước đưa ra bằng luật pháp. Thang máy phải được kiểm định để các cơ quan chức năng xác nhận sản phẩm thang máy đạt tiêu chuẩn và cho phép thi công sử dụng. Nếu không thực hiện sẽ bị phạt từ 1 đến 5 triệu hoặc 50 đến 70 triệu.
Kiểm định thang máy là việc làm bắt buộc trước khi đưa thang máy vào sử dụng
2. Cơ quan nào được phép kiểm định thang máy ?
Cơ quan kiểm định thang máy phải là:
- Các đơn vị được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy.
- Các đơn vị được Cục An Toàn Lao Động, Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội cấp phép kiểm định.
Có thể kể đến một số cơ quan kiểm định như:
- Trung tâm Kiểm định KTAT khu vực I/ II/ III;
- Trung tâm Kiểm định và huấn luyện KTATLĐ TP. HCM;
- Công ty TNHH MTV Kiểm định kỹ thuật an toàn Việt Nam;
- Công ty TNHH Một thành viên Kiểm định kỹ thuật an toàn Dầu khí Việt Nam;
- Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật an toàn Quân đội trực thuộc Bộ Quốc Phòng;
- Và nhiều đơn vị khác …
3. Căn cứ vào đâu để kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy ?
Để kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy cần dựa vào các tiêu chuẩn kiểm định thang máy do các cơ quan nhà nước ban hành. Hiện nay tiêu chuẩn chung cho tất cả các loại thang máy là các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn lao động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội biên soạn.
Ví dụ, thang máy điện cần áp dụng quy chuẩn TCVN 6395:2008, thang cuốn và thang chở người cần áp dụng quy chuẩn TCVN 6397:1998,....
Các quy trình kiểm định thang máy sẽ do Cục An toàn lao động chủ trì biên soạn. Theo đó, mỗi loại thang máy khác nhau cần tuân theo một quy trình kiểm định khác nhau.
Với thang máy thủy lực, quy trình kiểm định sẽ dựa theo văn bản QTKĐ:22-2016/BLĐTBXH, thang máy điện có phòng máy sẽ theo văn bản QTKĐ:21-2016/BLĐTBXH,...
- Bạn có thể xem ngay các tiêu chuẩn thang máy của Việt Nam hiện hành.
4. Khi nào cần kiểm định thang máy ?
Dù là kiểm định thang máy gia đình hay các loại thang máy khác thì các thời điểm cần thực hiện kiểm định thang máy bao gồm:
Kiểm định thang máy lần đầu
Khi thang máy vừa hoàn thành việc lắp đặt bắt buộc phải tiến hành kiểm định thang máy để xác định chất lượng lắp đặt thang máy. Nếu thang máy được kiểm định lắp đặt đạt các yêu cầu về kỹ thuật và đảm bảo an toàn thì mới được đưa vào sử dụng.
Kiểm định thang máy định kỳ
Sau một thời gian sử dụng, các bộ phận trong hệ thống vận hành của thang máy sẽ dần xuống cấp, cần tiến hành kiểm định định kỳ để phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Đối với thang máy mới, nên thực hiện kiểm định ít nhất 3 năm/lần. Với thang máy trên 10 năm sử dụng nên tiến hành kiểm định ít nhất 2 năm/lần.
Kiểm định thang máy khi có dấu hiệu bất thường
Ngoài việc kiểm định định kỳ, trong quá trình sử dụng thang máy cũng có thể phát sinh một số vấn đề về kỹ thuật. Lúc này, cần đơn vị kiểm định đến kiểm tra, đánh giá và đưa ra các phương án khắc phục tình trạng thang máy.
5. Quy trình kiểm định an toàn thang máy
Quy trình kiểm định thang máy
Quy trình kiểm định được tiến hành qua 5 bước chính:
Bước 1: Kiểm tra hồ sơ, lý lịch thang máy
Hồ sơ kiểm định sẽ được chuẩn bị theo các hình thức kiểm định:
- Khi kiểm định lần đầu cần chuẩn bị lý lịch, hồ sơ thang máy và hồ sơ lắp đặt.
- Khi kiểm định định kỳ cần chuẩn bị lý lịch, kết quả lần kiểm tra trước và các hồ sơ về quản lý, sử dụng, vận hành thang máy.
- Khi kiểm định thang máy có bất thường cần chuẩn bị hồ sơ thiết kế cải tải, biên bản nghiệm thu sau cải tạo và biên bản nghiệm thu của cơ quan chức năng.
Bước 2: Kiểm định kỹ thuật bên ngoài
Kiểm định bên ngoài thang máy sẽ bao gồm việc kiểm tra tính đầy đủ, đồng bộ của thang máy đã lắp đặt. Kiểm tra việc lắp đặt thực tế có đúng với các thống số, yêu cầu kỹ thuật của nhà chế tạo không. Kiểm tra các chi tiết thiếu hoặc bị biến dạng của các bộ phận và cụm máy.
Bước 3: Kiểm tra kỹ thuật – thử không tải
Ở bước này, thang máy sẽ được kiểm tra ở 7 vị trí, bao gồm: kiểm tra buồng máy và thiết bị buồng máy, kiểm tra cabin và các thiết bị ở cabin, kiểm tra đỉnh cabin, kiểm giếng thang, cửa tầng, hố thang và thử không tải. Sau đó tiến hành đánh giá, nếu thang máy có thể hoạt động theo đúng các tính năng đã thiết kế và không có bất thường xảy ra thì đạt yêu cầu.
Bước 4: Thử tải động
Ở bước này, quá trình kiểm định sẽ được thực hiện bằng cách thử tải động ở hình thức 100% và 125% tải định mức, kiểm tra thiết bị hạn chế quá tải, thử bộ hãm bảo hiểm đối trọng, thử bộ cứu hộ tự động, thử thiết bị báo động cứu hộ và thử các chương trình đặc biệt của thang máy.
Bước 5: Xử lý kết quả kiểm định
Việc xử lý kết quả kiểm định sẽ được thực hiện theo quy trình sau:
- Lập biên bản kiểm định.
- Trình kiểm định viên thông qua biên bản kiểm định.
- Ghi kết quả kiểm định và lý lịch của thang máy.
- Dán tem kiểm định.
- Cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm định.
6. Chi phí kiểm định thang máy
Theo Quyết định số 11/ QĐ – KĐ được ban hành vào ngày 27/02/2017 của Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật an toàn khu vực III, chi phí kiểm định thang máy các loại như sau:
- Với thang máy dưới 10 tầng, chi phí kiểm định là 2.000.000đ/thiết bị.
- Với thang máy từ 10 tầng đến 20 tầng, chi phí kiểm định là 3.000.000đ/thiết bị.
- Với thang máy trên 20 tầng, chi phí kiểm định là 4.500.000đ/thiết bị.
7. Bên nào phải trả chi phí kiểm định ?
Thông thường, chi phí kiểm định thang máy lần đầu tiên, sau khi hoàn thành lắp đặt thang máy sẽ do công ty lắp đặt thang máy chi trả.
Ở những lần kiểm định tiếp theo, chi phí kiểm định sẽ do chủ thang máy chi trả cho cơ quan kiểm định. Tuy chi phí kiểm định lần đầu do công ty lắp đặt chi trả nhưng bạn hoàn toàn có thể chỉ định đơn vị kiểm định mà mình mong muốn.
8. Mức xử phạt khi đưa thang máy vào sử dụng mà không qua kiểm định
Trường hợp thang máy không qua kiểm định mà đưa vào sử dụng sẽ bị xử phạt theo các mức đưa ra trong Khoản 5 – Điều 17 của Nghị định số 95/ 2013/ NĐ – CP.
- Phạt 1.000.000đ đến 3.000.000đ khi không thông báo việc kiểm định với cơ quan kiểm định.
- Phạt 5.000.000đ đến 7.000.000đ khi đưa thang máy vào sử dụng mà không thông báo với cơ quan kiểm định.
- Phạt 50.000.000đ đến 75.000.000đ khi sử dụng thang máy đã kiểm định nhưng không đạt yêu cầu.
9. Những tồn tại trong việc kiểm định chất lượng thang máy hiện nay
Thực tế, quá trình kiểm định an toàn chất lượng thang máy cũng còn nhiều điểm bất cập, tiêu biểu như:
Đôi khi nhà cung cấp thang máy và đơn vị kiểm định vì lợi ích mà kết hợp với nhau để lừa người sử dụng. Lúc này đơn vị kiểm định sẽ thông qua cả những thang máy thiết trang thiết bị, không đảm bảo chất lượng,...và khiến người sử dụng thiệt thòi.
Với những thang máy đang trong thời gian được bảo hành, đôi khi chủ thầu không tiến hành kiểm định thang máy đúng thời hạn làm xảy ra những sự cố đáng tiếc.
Một vấn đề bất cập nữa của việc kiểm định thang máy đó là vẫn còn các đơn vị kiểm định thang máy không đủ chuyên nghiệp, nhân lực không đủ kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị kiểm định cần thiết,... đang hoạt động.
Việc kiểm định thang máy gia đình cũng như các loại thanh máy nói chung vẫn còn những vấn đề tồn đọng. Vì vậy, ngay từ đầu, hãy sáng suốt lựa chọn những đơn vị cung cấp thang máy chính hãng, chất lượng tốt để hạn chế rủi ro.